Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Loại đá quý lạ có thuộc tính không thua kém Kim Cương

MAXI - Các nhà khoa học Nga đã tìm thấy một loại đá quý lạ, có thuộc tính không hề thua kém kim cương và ngọc lục bảo.


Loại khoáng sản mới có tên gọi là Mariinskit

Loại khoáng sản mới có tên gọi là Mariinskit.

Thế giới từng có một thời gian dài không tin vào sự tồn tại của khoáng chất này, nhưng phát hiện của các nhà địa chất Nga đã khiến nhiều người ngạc nhiên.
Mariinskit - tên gọi của khoáng sản mới - được tìm thấy tại mỏ ngọc lục bảo Mariinsky lớn nhất thế giới ở tỉnh Sverdlovsk thuộc vùng Ural (Nga). Công thức của khoáng vật này rất đơn giản BeCr2O4, là loại đá rất hiếm, vì các khoáng chất được khai thác hiện giờ có công thức phức tạp hơn nhiều.

Loại đá quý mới này được tìm thấy tại mỏ đá lục bảo Mariinsky lớn nhất thế giới.

Khoáng vật này có tất cả các thuộc tính của đá quý. Nó rất hiếm, có độ cứng cao là 8.5, màu xanh lá cây, tươi sáng như ngọc lục bảo, có độ lấp lánh cao giống như kim cương. Tuy nhiên, loại đá này có thể tích khá nhỏ (chỉ 0,2 - 0,5mm). Việc thăm dò, tìm kiếm loại đá quý hiếm này vẫn đang được tiếp tục tại mỏ Mariinsky.
Theo: tuoitre

Đá Opal hay còn gọi là ngọc mắt mèo là gì?

Đá Opal hay "ngọc mắt mèo" từ lâu đã được biết đến và sử dụng trong việc trang trí các đền đài và cung điện. Bên cạnh đó, một khối lượng lớn opal cũng được dùng làm đồ trang sức. Trang sức đá opal có giá trị cao, thậm chí còn quý hơn cả kim cương và hồng ngọc.

Trang sức đá opal có giá trị cao, và có màu sắc rất đẹp.

Đá Opal làm thành trang sức có giá trị rất cao trên thị trường và màu sắc rất đẹp.

Đá Opal là một chất rắn hydrat hóa vô định hình có thành phần chính là silic (công thức hóa học: SiO2·nH2O). Opal là biểu tượng của chòm sao Thiên Bình trong cung hoàng đạo.

Cấu trúc tinh thể của đá Opal

Đá quý Opal thường thấy ở dạng khối đặc khít giống thủy tinh, bề ngoài như thạch nhũ. Opal cũng là thành phần chính trong cơ thể của một số sinh vật như xác diatomit, gai của hải miên, bộ xương của trùng tia do các giống này ăn các dung dịch keo silit. Nhờ có bộ xương silit, các sinh vật đó được bảo quản thành hoá thạch, ngay trong các lớp trầm tích thời cổ nhất.
Loại đá opal này thường tạo thành các mạch nhỏ nhiều khi tới 10 cm

Bên trong các viên đá Opal thường có các mảnh nhỏ nhiều màu sắc trồng lên nhau.

Loại đá này thường tạo thành các mạch nhỏ nhiều khi tới 10 cm hoặc hơn, dạng viên nhỏ bên trong các lỗ trống hoặc khe nứt trong các khối đá giàu silica. Ta cũng có thể gặp opal ở dạng giả hình của các khoáng vật khác.
Dưới kính hiển vi điện tử, cấu trúc của opal bao gồm các vi tinh SiO2 ở dạng hình cầu nằm chồng khít lên nhau và sắp xếp theo từng lớp. Sự giao thoa và nhiễu xạ của ánh sáng trên bề mặt các lớp vi cầu này đã làm cho opal có hiện tượng lưỡng sắc. Phụ thuộc vào kích thước của các vi cầu mà mỗi viên đá opal sẽ cho các màu khác nhau.

Nguồn gốc và sự phân bố của đá Opal trên thế giới

Thường tìm thấy đá Opal đọng trong các suối nhiệt dịch và suối phun ở các khu vực núi lửa (tup silit, greyserit...), hoặc tập hợp thành những thạch nhũ trắng, trong suốt, có quang thái ngọc. Opal thường sinh ra từ các loại đá macma phun trào như ryolit, andezit và trachit, nơi chúng được lắng đọng trong các lỗ hổng ở nhiệt độ thấp. Ở Úc, opan sinh ra sau phun trào trachit và bazan, trong cát kết silic mà chúng được tái lắng đọng.
Ở Việt Nam thường phát hiện opan tại một số tỉnh thuộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, chất lượng của loại opal này không thích hợp cho việc sản xuất hàng trang sức, chỉ để làm tranh đá quý.

Giá trị của đá Opal

Khi các chuyên gia bắt đầu thẩm định về chất lượng và giá trị của đá Opal bắt đầu đánh giá từ màu nền của đá, được ưu chuộng nhất và đánh giá cao hơn hết là màu sẫm với ánh màu sặc sỡ.
Sự đánh giá chất lượng của đá Opal thông qua màu sắc mà viên đá mang lại.

Sự đánh giá chất lượng của đá Opal thông qua màu sắc mà viên đá mang lại.

Đá Opal đen có giá trị nhất khi mang màu nền xám sẫm đến đen. Những viên đá Opal có màu nền trắng hay màu nhạt được gọi chung là Opal trắng, loại đá này phổ biến với trữ lượng lớn và nhiều trên thế giới, giá thành rẻ hơn. Còn những viên đá Opal có sắc trong mờ đến trong suốt được gọi là Opal tinh thể, giá trị của nó nằm ở giữa hai loại kia.
Sau khi đánh giá màu nền, để biết giá trị của đá Opal còn phải dựa vào mức độ và sự phân bố của các màu trên bề mặt đá. Một viên Opal được coi là đẹp nhất khi chứa tất cả các màu sắc của dải cầu vồng trên bề mặt, kể cả màu đỏ. Đây là loại đá quý thể hiện tính riêng tư nhất đối với người sử dụng, kiểu dáng hay màu sắc phụ thuộc vào sở thích của cá nhân.
Với những viên đá Opal quá mỏng khi muốn sử dụng thì phải được dán thành hai hay ba lớp giống trồng lên nhau. Đá 2 lớp gồm đáy là vật liệu màu đen phía trên là lớp Opal mỏng. Đá 3 lớp gồm 2 lớp trên và có thêm một lớp thạch anh hay plastic không màu dạng vòm. Tuy nhiên có thể thấy đá ghép sẽ có giá trị rẻ hơn là đá Opal được hình thành tự nhiên. Nhưng những viên đá ghép có hình dạng đặc biệt có giá trị rất lớn.
Tổng Hợp: NTLam

Làng chài sưu tầm được vật cổ lâu đời tại Quảng Ngãi

MAXI - Khác với nhiều miền quê khác, từ lâu, người dân tại Quảng Ngãi thường gọi thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) là "làng chài cổ vật" độc nhất vô nhị ở miền Trung.

Làng chài Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), nơi được người dân địa phương ví von là "làng chài cổ vật" ở miền Trung.
Đĩa gốm men xanh ngọc, bát gốm men rạn được các chuyên gia đánh giá khoảng 700 tuổi được trưng bày cùng với san hô, các loại ốc trong tủ kính nhà dân. Ông Nguyễn Biên (ngụ xã Bình Châu), cho hay làng chài Gành Cả có hàng trăm hộ dân nhưng 2/3 số hộ có cổ vật quý trưng ở tủ kính trong nhà.
Dĩa men ngọc 700 tuổi do ngư dân lặn vớt ở vùng biển Bình Châu.
Mảnh đĩa gốm men ngọc chạm nổi hình rồng quý hiếm do ngư dân tìm thấy.
Nhiều bát gốm cổ chạm khắc hoa văn tinh xảo trưng bày cùng với san hô, ốc trong nhà ngư dân xóm Gành Cả, xã Bình Châu. Các chuyên gia khảo cổ nhận định, căn cứ vào hoa văn vẽ hoa dây xanh, màu trắng xanh của bát gốm do ngư dân vớt được, con tàu chở cổ vật chìm này có niên đại khoảng thế kỷ 16-17 từng giao thương "con đường gốm sứ trên biển".
Không chỉ vớt được hiện vật gốm sứ cổ, nhiều ngư dân còn vớt được nhiều vật liệu xây dựng bên trong những con tàu chìm. "Nhà nước cần có cơ chế thưởng công phát hiện xứng đáng mới mong bảo tồn di sản văn hóa, tránh thất thoát cổ vật", tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi đề xuất.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÁ QUÝ KIM QUÝ PHÚC LỘC PHÁT
229 Trần Quốc Hoàn - Cầu Giấy - Hà Nội
Theo: Zing

Kỷ lục sau 8 năm, giá vàng tăng vượt mốc 50 triệu đồng/lượng

MAXI - Phiên giao dịch ngày 7/7 đánh dấu sự tăng trưởng kỷ lục của giá vàng khi lên tới 52 triệu đồng/lượng. Đây là lần đầu tiên sau 8 năm, vàng vượt mốc 50 triệu đồng/lượng.


Trên thị trường vàng trong nước, ngày 7/7

Giá vàng miếng tăng mạnh trong các ngày vừa qua.
Giá vàng miếng được Công ty Phú Quý niêm yết vàng miếng SJC ở mức 49,85 – 50,25  triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này tăng 330.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 410.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch hôm qua.
Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 49,7 – 49,9  triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Mức giá này tăng 130.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch hôm qua.
Sáng 7/7, (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.786 USD/ounce, mức giá này tăng 10 USD/ounce so với phiên giao dịch hôm qua.
Trên thị trường tiền tệ, sáng 7/7, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.222 VND. Mức giá này giảm 8 đồng/USD so với phiên giao dịch hôm qua.

Trái ngược với vàng giá giao dịch USD giảm mạnh trong các phiên.

Tại các ngân hàng thương mại, giá giao dịch USD giảm mạnh so với các phiên giao dịch trước đó.
Cụ thể, tại ngân hàng Vietcombank (hội sở chính), giá USD được niêm yết với mức 23.070  - 23.280 đồng/USD. Mức giá này giảm 10 đồng/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Ngân hàng Tiên Phong niêm yết giá USD ở mức 23.070 - 23.283 đồng/USD. Mức giá này giảm 6 đồng/USD ở chiều mua vào và giảm 5 đồng/USD ở chiều bán ra so với phiên giao dịch hôm qua.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÁ QUÝ KIM QUÝ PHÚC LỘC PHÁT
229 Trần Quốc Hoàn - Cầu Giấy - Hà Nội
Theo: Tiền Phong

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TẶNG KHỐI ĐÁ QUÝ PHONG THỦY 14 TẤN CHO BẢO TÀNG TẠI HUẾ

MAXI - Đoàn công tác của Kiểm toán Nhà nước đã tặng 1 khối đá quý phong thủy ngọc sapphire nặng 14 tấn cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế


Ông Hồ Đức Phớc trưởng đoàn - tổng Kiểm toán Nhà nước trao tăng viên đá quý phong thủy cho Bảo tàng tại Huế

Chiều 18-10, đoàn công tác của Kiểm toán Nhà nước do ông Hồ Đức Phớc - tổng Kiểm toán Nhà nước - làm trưởng đoàn, đã trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế khối đá quý phong thủy sapphire.
Khối đá quý này nặng 14 tấn, được lấy từ huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An). Khối đá có độ cứng và độ bền cao, không bị ăn mòn bởi nước và axit, không bị oxy hóa, rất đẹp khi chiếu sáng.
Khối đá quý phong thủy được đặt trang trọng ngay tại khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh ở số 7 Lê Lợi (TP Huế).

Viên đá quý phong thủy được đặt tại sân lớn của bảo tàng tại Huế.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết đây là hoạt động nhằm thể hiện lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh và trách nhiệm cùng xây dựng, tôn tạo cảnh quan kiến trúc phục vụ tốt hơn khách trong và ngoài nước khi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh tại chi nhánh Thừa Thiên Huế.
Cùng ngày, đoàn công tác của Kiểm toán Nhà nước đã trao tặng 100 triệu đồng cho quỹ khuyến học của tỉnh.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÁ QUÝ KIM QUÝ PHÚC LỘC PHÁT
229 Trần Quốc Hoàn - Cầu Giấy - Hà Nội
Theo: NHẬT LINH

Mỏ ngọc bích ở Myanmar sạt lở 113 người chết

MAXI - Vụ sạt lở tại một mỏ khai thác ngọc bích ở miền bắc Myanmar khiến ít nhất 113 người chết và nhiều người khác mất tích.

Khu vực Hpakant, bang Kachin, miền bắc Myanmar mỏ ngọc bích thường xuyên xảy ra tai nạn lao động.

Hàng trăm công nhân khai thác mỏ đá quý ngọc bích ở khu vực Hpakant, bang Kachin, miền bắc Myanmar đã bị chôn vùi khoảng 6h30 sáng 2-7.

Thảm họa mỏ ngọc bích trong mưa

Theo sở cứu hỏa, nguyên nhân được cho do mưa lớn gây lở đất. "Tổng cộng đã có 113 người chết. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực cứu hộ", Sở cứu hỏa thông tin.
Cảnh sát địa phương nói với AFP rằng các công nhân dường như đã bất chấp cảnh báo không khai thác mỏ trong khi trời mưa.
Lực lượng cứu hộ đã làm việc cả sáng nay để trục vớt xác từ một hồ đầy bùn, dùng lốp xe làm bè để kéo xác lên bờ. Nhưng công tác cứu hộ đang gặp khó khăn vì mưa ngày càng nặng hạt.
Cảnh sát cho biết số người chết còn có thể cao hơn nếu nhà chức trách không cảnh báo người dân tránh xa các mỏ đã khai thác.
Maung Khaing, một thợ mỏ 38 tuổi chứng kiến vụ tai nạn, cho biết anh phát hiện ra đống chất thải cao chót vót chực sụp đổ và đã chụp ảnh trong lúc mọi người bắt đầu hét lên "Chạy, chạy!".
"Trong vòng một phút, tất cả những người phía dưới ngọn đồi đã biến mất", Khaing nói với Hãng tin Reuters qua điện thoại. "Tôi cảm thấy trống rỗng. Tôi vẫn còn nổi da gà. Có những người mắc kẹt trong bùn kêu cứu nhưng không ai có thể giúp họ".
Sạt lở đất gây chết người khá phổ biến tại các mỏ đá quý ở Hpakant - nơi được cho là quản lý kém, theo Reuters. Cũng tại khu vực này, một vụ lở đất đã cướp đi sinh mạng của 116 người vào năm 2015.
Những công nhân khai thác đá quý ở đây thường đến từ các cộng đồng dân tộc nghèo khó, những người đi mót phế liệu do các công ty lớn bỏ lại.

Lực lượng cứu hộ tại hiện trường vụ sạt lở mỏ ngọc bích.

Nhu cầu sử dụng đá quý ngọc bích của Trung Quốc

Myanmar là một trong những nguồn đá cẩm thạch chính của thế giới và ngành công nghiệp khai thác đá tại nước này chủ yếu được thúc đẩy do nhu cầu rất lớn từ Trung Quốc.
Tổ chức Global Witness (tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận quốc tế với mục tiêu chống lại tình trạng bóc lột tài nguyên thiên nhiên) ước tính ngành công nghiệp khai thác đá quý ở Myanmar trị giá khoảng 31 tỉ USD trong năm 2014, mặc dù có rất ít tiền trong số này chảy vào kho bạc nhà nước.
Các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của miền Bắc Myanmar bao gồm ngọc, gỗ, vàng và hổ phách, đã tài trợ cho cả hai phe trong cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa lực lượng nổi dậy Kachin và quân đội chính phủ. Cuộc chiến kiểm soát mỏ và doanh thu mà mỏ mang lại thường xuyên kết thúc bằng thiệt hại cho dân thường.

Vị trí xảy ra vụ sạt lở mỏ ngọc bích - Ảnh: BBC

Theo AFP, ngành công nghiệp khai thác ngọc bích ở Myanmar tuy sinh lợi nhưng quản lý kém, sử dụng lao động nhập cư được trả lương thấp để khai thác loại ngọc bích rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Chính phủ của bà Aung San Suu Kyi đã cam kết sẽ thay đổi ngành công nghiệp khai thác đá quý của Myanmar khi nắm quyền vào năm 2016, nhưng các nhà hoạt động nói rằng có rất ít thay đổi diễn ra.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÁ QUÝ KIM QUÝ PHÚC LỘC PHÁT
229 Trần Quốc Hoàn - Cầu Giấy - Hà Nội
Theo: MINH KHÔI

GIỮ HÒN ĐÁ QUÝ SUỐT NHIỀU NĂM VÌ TƯỞNG LÀ VÀNG, HÓA RA LÀ THIÊN THẠCH QUÝ BÁU

MAXI - Tại Úc có người đàn ông giữ khư khư một cục đá quý nhiều năm trời, tưởng rằng nó là vàng. Hóa ra, nó có giá trị hơn nhiều.

Vào năm 2015, tại một công viên khu vực tên là Maryborough nằm ở Melbourne, nước Úc, David Hole đang tìm kiếm mỏ quặng cùng chiếc máy dò kim loại đáng tin cậy trên tay của mình. Nhưng thay vì quặng, ông lại tìm được một vật rất khác thường. Một viên đá màu đỏ rất nặng nằm giữa bãi đất sét vàng.
Ông ấy mang nó về nhà và thử mọi cách để mở nó ra, trong đầu nghĩ rằng bên trong chắc chắn có vàng. Dù sao Maryborough nằm ở vùng Goldfields, nơi mà cơn sốt vàng đã đạt đến đỉnh điểm vào thế kỷ 19.
Hole đã dùng nhiều biện pháp để cố gắng đập mở hòn đá như cưa đá, máy mài, máy khoan và cả một bồn axit, nhưng chẳng có hiệu quả gì. Đến cả một cái búa tạ cũng không thể khiến nó sứt mẻ. Nguyên nhân là vì hòn đá quý mà ông ấy muốn đập mở không phải vàng. Nhiều năm sau, Hole mới phát hiện thật ra nó là một mảnh thiên thạch hiếm.
"Nó có một vẻ ngoài chạm trổ", Dermot Henry, nhà địa chất tại Bảo tàng Melbourne nói. "Vẻ ngoài này hình thành khi chúng lao qua bầu khí quyển, phần bên ngoài tan chảy và bầu khí quyển tạo hình cho chúng".
Mặc dù không thể mở 'hòn đá', Hole vẫn rất hứng thú với nó, ông đem mảnh thiên thạch đến viện Bảo tàng Melbourne để nhận dạng.
"Tôi đã xem qua rất nhiều loại đá mà người ta tưởng là thiên thạch", Henry nói.
Thật ra, trong 37 năm làm việc tại viện bảo tàng và xét nghiệm hàng ngàn loại đá, Henry giải thích rằng chỉ có hai trường hợp thật sự là thiên thạch.

Dưới đây là một trong số hai trường hợp.

"Nếu bạn thấy một hòn đá như vậy trên Trái Đất và bạn cầm nó lên, nó sẽ không nặng đến thế", Bill Birch, một nhà địa chất khác tại Bảo tàng Melbourne, nói.

Dạo gần đây, các nhà nghiên cứu đã xuất bản một bản báo cáo khoa học mô tả mảnh thiên thạch 4,6 tỷ tuổi này. Họ đặt tên nó theo thị trấn mà nó được tìm thấy là Maryborough.
Nó nặng tới 17 kg, và sau khi dùng máy cưa kim cương để cắt ra một lát nhỏ, họ khám phá ra thành phần của nó phần lớn là sắt, xác định nó thuộc lớp thiên thạch H5 chondrite thông thường. Khi cắt ra, bạn có thể thấy được những giọt tinh thể li ti của khoáng sản kim loại khắp nơi trên bề mặt. Các nhà khoa học gọi chúng là chondrules.
"Thiên thạch cung cấp nguồn khai phá vũ trụ với cái giá rất rẻ. Chúng đem chúng ta đi ngược dòng thời gian, cung cấp manh mối về tuổi tác, sự hình thành và hóa tính của Hệ Mặt Trời (trong đó bao gồm cả Trái Đất)", Henry giải thích.

"Một số thiên thạch cung cấp cái nhìn thoáng qua về phần sâu thẳm bên trong hành tinh của chúng ta. Trong một số khác thì lại tồn tại 'bụi sao' lâu đời hơn cả hệ mặt trời và nó chỉ ra cho chúng ta cách mà các ngôi sao thành hình và tiến hóa để tạo ra các nguyên tố trong bảng tuần hoàn".
"Một số thiên thạch hiếm khác chứa các phân tử hữu cơ như axit amin; thành phần cơ bản cấu tạo nên sự sống".
Lát cắt của mảnh thiên thạch
Lát cắt của mảnh thiên thạch
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết viên thiên thạch đến từ đâu và nó đã ở trên Trái Đất bao lâu, song họ có một vài suy đoán.
Hệ mặt trời đã từng là một vòng xoáy chứa đầy bụi và đá chondrite. Về sau trọng lực hút những mảnh vật chất này về với nhau và tạo thành hành tinh, phần còn lại trôi nổi tạo thành các vành đai tiểu hành tinh.
"Viên thiên thạch này chắc hẳn đến từ vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc. Nó đã bị đẩy ra do các tiểu hành tinh va đập vào nhau và rồi một ngày nó đáp xuống Trái Đất". Henry giải thích.
Định tuổi bằng cacbon đề xuất rằng viên thiên thạch đã ở trên Trái Đất từ 100 đến 1000 năm. Từ 1889 đến 1951 đã có rất nhiều lần sao băng được phát hiện, một trong số đó có thể là khoảnh khắc viên thiên thạch này đâm xuống.
Các nhà nghiên cứu tranh luận rằng viên thiên thạch Maryborough quý hiếm hơn cả vàng. Nó là một trong 17 viên thiên thạch từng xuất hiện tải tiểu bang Victoria của Úc và chứa lượng chondritic nhiều thứ hai, chỉ sau một mẫu vật nặng 55 kg được phát hiện vào 2003.
"Đây là viên thiên thạch thứ 17 được phát hiện tại Victoria, nơi mà đã có hàng ngàn cốm vàng được tìm thấy", Henry nói. "Nhìn vào chuỗi sự kiện đã xảy ra, việc mảnh thiên thạch này được khám phá thật là một điều kỳ diệu".
Đây không phải là mảnh thiên thạch đầu tiên mất đến vài năm mới đặt chân đến viện bảo tàng. Đã từng có trường hợp mất đến 80 năm, qua tay hai chủ nhân, một viên đá vũ trụ mới bước lên được bờ thềm viện bảo tàng.
Bản báo cáo khoa học được xuất bản tại Biên bản Xã hội Hoàng gia Victoria.
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐÁ QUÝ KIM QUÝ PHÚC LỘC PHÁT
229 Trần Quốc Hoàn - Cầu Giấy - Hà Nội
Theo Sciencealert